Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Dubai và tòa tháp cao nhất thế giới

Dubai & tòa tháp cao nhất thế giới

NHỮNG KIẾN TRÚC VĨ ĐẠI VÀ TÂN KỲ CỦA DUBAI

Dubai cùng với Abu Dhabi là hai tiểu quốc quan trọng nhất trong bẩy tiểu quốc của Liên Hiệp Ả Rập hay Ả Rập Thống Nhất Emirates (United Arab Emirtates) nằm ở phía nam Vịnh Ba Tư. Ngày nay các nước Ả Rập trong vùng thích được gọi là Vịnh Ả Rập (không muốn liên hệ với tên Persian là tên cổ của Iran). Dân các tiểu quốc Ả Rập này vồn gốc là dân du mục sa mạc gọi là Bedouin (Ả rập ngữ Bedhu là Người Sa Mạc) theo thể chế bộ lạc cai trị bởi một tộc trưởng hay tù trưởng. Từ sheik là lãnh tụ có nguồn gốc tương đương với chef, tộc trưởng, tù trưởng. Khi một bộ lạc lớn mạnh thành một tiểu quốc Hồi giáo thì vị cai trị gọi là sultan, tiểu vương tương đương vớiking vương của Trung Hoa và khi hùng mạnh thành một đế quốc gồm nhiều tiểu quốc thì gọi là Shah tức đế (vua của vua) tương dương với emperor, với hoàng đếcủa Trung Hoa, với csar hay Tsar của Nga nên các vua Iran trước đây thuộc dòng đế quốc Persia cũ gọi là Shah và các Tsar của Nga gọi là Nga Hoàng. Ngày nay theo thể chế kiểu tổng thống, thống đốc nên dùng từ Emirates có nghĩa là văn phòng hay quốc gia của một emir (hoàng tử hay thống đốc...). Thủ lãnh đứng đầu hiện nay của Dubai là sheik Mohammed Bin Rashid Al Maktoum (xin gọi cho gọn lại là Mohamed), ông cũng là Thủ Tướng của Liện Hiệp Ả Rập Emirates hay Ả Rập Thống Nhất Emirates.

Dubai hiện giờ là một tiểu quốc Ả Rập nổi tiếng nhất thế giới về những kiến trúc vĩ đại (megastructures) và tân kỳ , những kỳ quan kiến trúc.

NHỮNG KIẾN TRÚC TÂN KỲ CỦA DUBAI

Năm 1820, Dubai được các sử gia người Anh gọi là Al Wasl. Nguồn gốc của từ Dubai có nhiều tranh cãi. Có người tin là có gốc từ ngôn ngữ Ba Tư, trong khi những người khác tìn là có gốc từ ngôn ngữ Ả Rập. Theo Fedel Handhal, từ Dubai có thể do từDaba (phát sinh từ Yadub, có nghĩa là , to creep); ý nói về dòng chẩy rất chậm của con Rạch Biển Dubai (Dubai Creek). Nhà thơ và học giả Ahmad Mohammad Obaid cũng tìm ra nguồn gốc của Dubai do cùng một từ mà ra nhưng lại lấy theo một nghĩa khác của từ bò là con cào cào, châu chấu.

Dubai có một địa thế rất tốt vì ờ gần Ba Tư (Iran cũ) nên là một địa điểm giao thương, buôn bán quan trọng. Dubai là một bến cảng quan trọng cho các thương nhân hải hồ ngoại quốc, phần lớn là từ Iran vì thế mà một số người Ba Tư đã lập nghiệp tại Bastiya, Dubai. Mãi cho tới năm 1930 Dubai nổi tiếng về xuất cảng ngọc trai. Sau năm 1930 kỹ nghệ ngọc trai tàn lụi vì ngọc trai nuôi của Nhật Bản phát triển mạnh.

May mắn thay vào thập niên 1960 nhờ khám phá ra dầu hỏa, kinh tế của Dubai lại phát triển mạnh dựa trên kỹ nghệ dầu hỏa. Ngày nay Dubai trồi lên thành một thành phố toàn cầu và là một ổ trục của thương vụ. Nguồn lợi chính hiện nay là từ du lịch, tài sản địa ốc và dịch vụ tài chính. Dubai đã thu hút sự chú ý của thế giới qua nhiều dự án xây cất tân kỳ và các cuộc tranh tài thể thao quốc tế (Dubai đang nuôi tham vọng tổ chức Thế Vận Hội trong tương lai, chắc khi tổ chức chạy môn marathon trong sa mạc, quãng đường chạy này phải có trang bị máy lạnh!)

Sheik Mohamed là người có đầu óc cấp tiến, nhìn xa trông rộng, táo bạo, liều lĩnh, khuấy nước chọc trời. Ông đã nghĩ tới một ngày nào đó không còn dầu hỏa hay dầu hỏa không còn là một thứ năng lượng thiết yếu nữa (giống như than đá). Ông và Sheik Khalifa của tiểu quốc Abu Dhabi láng giềng đã thay đổi khuôn mặt cực đoan khép kín của Hồi giáo, áp dụng chính sách Mở Cửa Mở Tâm Trí (Open Door Open Mind) tiếp nhận văn hóa thế giới nhất là văn hóa Tây Phương qua mọi khía cạnh của đời sống, tạo ra một sân chơi kinh doanh cho các tỉ phú thế giới, một chỗ sống siêu hiện đại, một chỗ du hí, ăn chơi thượng lưu cho thế giới nói chung và nhất là cho thế giới À Rập giầu sang. Ví dụ giới phụ nữ Hồi vương giả, giầu có ở những xứ Hồi cực đoan, khuôn mặt lúc nào cũng bị che kín bởi cái mạng mặt burkha. Đi tắm biển cũng vẫn phải mặc cái áo abaya “trùm mền” kiểu “poncho” quạ đen trùm kín cả người. Ở đây phụ nữ có thể bỏ mạng che mặt, ăn mặc áo quần thời trang thượng hạng, khi ra ngoài chỉ cần khoác lên một chiếc áo choàng đen mỏng cho có vẻ là “ngoan đạo”, gia giáo, nhưng không cần phải cài nút để gió phất phơ khép mở theo bước chân đi. Có những câu lạc bộ dành riêng cho phái nữ, tại đây các bà các cô có thể mặc bikini để khoe với ... ông trời già ở trên cao và với các ông trời con ở hạ giới... Cũng nên biết người vợ hiện nay của Sheik Mohamed là công chúa xứ Jordan, chị của vua Jordan hiện nay rất thân cận với Tây phương. Bà này rất Tây phương, không trùm mạng mặt burkha, không mặc áo kiểu “poncho” đen, bà cưỡi ngựa, khi đi ra ngoài với chồng, bà đi ngang hàng với chồng chứ không đi sau chồng... Vì thế phụ nữ Hồi đến đây vào các câu lạc bộ riêng của các bà tha hồ khoe vàng bạc châu báu, của... quí nhiều hay của quí... ít!

Như đã nói một trong những thứ lôi cuốn hấp dẫn nhất của Dubai là những kiến trúc vĩ đại, tân kỳ, táo bạo đầy nghệ thuật.

Không lâu trước lúc chúng tôi đặt chân tới Dubai, tòa nhà cao nhất thế giới Burj Al Khalifa vừa được khánh thành.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này chỉ xin giới hạn, chú tâm nhiều về hình dáng bên ngoài của một vài kiến trúc ngoạn mục, siêu tân kỳ đầy nghệ thuật, tiêu biểu của Dubai.

Những nhà chọc trời mọc lên như nấm. Chưa có một nơi nào trên thế giới, hàng trăm tòa cao ốc được xây cất cùng một lúc.

Ở đây một năm xây cất bằng ba năm ở nơi khác. Một ngày xây cất bằng ba ngày ở nơi khác. Các nhóm công nhân xây cất trong 250.000 công nhân ngoại quốc làm suốt 24 giờ một ngày (ở nơi khác chỉ có một tốp làm tám tiếng ban ngày).

Nhưng cái hay của Dubai là những kiến trúc vĩ đại này thật là tân kỳ, siêu hiện đại đầy nghệ thuật. Những tòa cao ốc ở đây không như những cái hộp bê tông thẳng tuột, thô lỗ với mầu sắc ảm đạm trông như những hộp “xà lim”, ngục tù nhốt con người trong đó như thuộc loại các chung cư của thế giới cộng sản trước đây. Những tòa nhà ở đây có hồn, có sức sống của con người, có cái quyến rũ không tẻ nhạt, lạnh lẽo, nhuốm mầu sắc trầm cảm như các nhà chọc trời ở các quốc gia tân tiến khác.

Để thực hiện những công trình xây cất này, đối với Sheik Mohamed tiền bạc không phải là vấn đề. Đối với ông tiền bạc là chuyện nhỏ. Những kiến trúc sư lừng danh trên thế giới được ưu ái thỉnh mời tới Dubai để sáng tạo ra những tác phẩm bê tông để đời. Họ tha hồ được thi thố tài năng và đầu óc sáng tạo của mình, thực hiện những ước mơ kiến trúc huyễn tưởng nhất của đời mình. Ở đây rừng bê tông là rừng của hàng ngàn cây bê tông cá biệt, thiên hình vạn trạng, trăm hoa đua nở. Không có tòa cao ốc nào giống tòa cao ốc nào. Mỗi công trình xây cất là một tuyệt tác phẩm kíên trúc nghệ thuật.

Xin điểm qua một vài kiên trúc tiêu biểu.

.Phi cảng Dubai.

Bước xuống phi trường Dubai du khách đã sững sờ trước kiến trúc tân kỳ, thông thoáng, khang trang, lịch sự của phi cảng Dubai. Đây là một trong những phi cảng tân kỳ nhất thế giới.

Một góc phi Cảng Dubai ban đêm.

Bến cảng số 3 (Terminal 3) có sàn nhà của một tòa nhà biệt lập rộng nhất thế giới.

Kinh phí dự trù xây cất phi cảng được Sheik Mohamed cho 500 triệu Mỹ Kim. Khi hoàn tất xong chỉ chi hết 350 triệu. Sheik Mohamed trách sao không tiêu cho hết tiền. Ban giám đốc xây cất đệ trình ông là đã cố dùng tiền tối đa rồi và đề nghị nếu muốn dùng hết 150 triệu còn lại thì đúc một bức tượng Sheik bằng vàng khối, đặc đem trưng bầy tại đây. Sheik Mohamed đã từ chối.

Vốn gốc là dân du mục sống ở samac, nước là lẽ sống, nước là khát vọng, vì thế nước và những gì liên quan tới nước đều là nguồn sống của dân sa mạc. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh nước, sóng nước, cánh buồm, con đò... trong các kiến trúc đặc thù của Dubai. Vì vậy mà hình ảnh con đò với cánh buồm lộng gió được dùng làm biểu tượng cho Dubai. Trước đây Ngân Hàng Quốc Gia Dubai, Emirates ở bên bờ Rạch Biển Dubai có hình con thuyền buồm dhow là biểu tượng quốc gia của Dubai.

Ngân hàng Quốc Gia Dubai, Emirates, hình chiếc đò buồm căng gió biểu tượng cũ của Dubai (ảnh của tác giả).

Tòa nhà có cánh buồm căng gió, người dân Dubai tưởng tượng ra trông giống như bụng một bà bầu phình ra nên gọi là “tòa nhà có chửa” (nhìn ngang thấy rõ hơn). Phần dưới tòa nhà là đầu cuối phẳng dẹp của con đò dhow.

Xin nói một chút về con đò dhow tiêu biểu của Dubai này.

Con đò gọi là dhow là tiêu biểu của Dubai. Về ngôn ngữ học, từ dhow chắc chắn không có gốc chính từ ngôn ngữ Ả Rập Dubai vì dân du mục sống ở sa mạc không có đò thuyền. Con thuyền đã từ nơi xa xăm nào đó tới Dubai. Có hai ngả. Một là từ Ba Tư (tên của vịnh trước đây là Vịnh Ba Tư) vì thế từ dhow có thể có gốc từ chữ Ba Tư cổ tức Aryan, một thứ chữ được coi là tiền-Phạn ngữ. Vào thế kỷ 14 vì chính sách đánh thuế bóc lột của chính quyền Ba Tư, những người thợ lặn ngọc trai gốc Ba Tư bỏ xứ đến định cư tại Dubai. Dĩ nhiên những dân mò ngạc trai gốc BaTư này mang theo họ con thuyền (hình ở trên có hai giỏ sò treo ở đuôi đò). Ngày nay còn khu phố cổ Bastakiya tại Dubai của các thương gia gốc ở Bastak miền Nam Ba Tư (Iran) và những người Ba Tư làm nghề mò ngọc trai cũ đến Dubai lập nghiệp. Hai là con đò đến từ vùng biển Nam Á, nam Ấn Độ nên từ dhow có thể có gốc từ ngôn ngữ Nam Ấn Pali hay Hindi liên hệ với Phạn ngữ. Ngày nay có một cộng đồng rất lớn người Ấn và Pakistan ở Dubai. Hiện nay những con đò dhow vẫn là phương tiện giao thương chính giữa Dubai với Iran, Ấn Độ và Pakistan.

Nghĩa là con đò dhow dù bất cứ từ đâu tới, cái tên dhow cũng liên hệ với Phạn ngữ. Trong Tiếng Việt Huyền Diệu ta đã biết các từ thuần Việt phần lớn liên hệ với Phạn ngữ. Như thế hiển nhiên từ dhow chính là Việt ngữ đò. Thật vậy, trong Việt ngữ còn có nhiều từ tầu thuyền, sông nước khác liên hệ với Phạn ngữ. Theo đ=t ( đùng đùng = tùng tùng), dhow = tầu (đò). Theo t=n (túm = núm), tầu ruột thịt với Phạn ngữnau là tầu, đò, thuyền. Phạn ngữ nau đẻ ra từ nausea, buồn nôn (vì đi tầu đò, vì say sóng), liên hệ với nautica, nautic, thuộc về nước = Việt ngữ nao, nôn nao, nao nao(bồn chồn trong dạ, buồn nôn), nao nao cũng thấy liên hệ với sóng nước trong Việt ngữ như:

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Nguyễn Du, Kiều).

.Khách Sạn Burj Al Arab

Biểu tượng cũ của quốc gia Dubai là Ngân hàng Quốc Gia Dubai hình con đò dhow ngày nay được thay thế bằng khách sạn Burj Al Arab có nghĩa là Tòa Cao Ốc Ả Rập cũng có hình cánh buồm căng gió ngàn khơi.

Khách sạn Burj Al Arab nhìn từ khu an dưỡng Madinat Jumeirah (ảnh của tác giả).

Xin đi ra ngoài lề bài viết nói một chút về từ burj để độc giả hiểu và dễ nhớ tên. Ả Rập ngữ burj có nghĩa là cao ốc, tòa nhà cao tầng, nhà chọc trời. Burj là biến âm của Scandinavian ngữ bur, bir, chỗ ở, thành phố; Iceland ngữ byr, thành phố; biến âm với gốc Anh ngữ -burg, chỗ ở, thị xã, thị trấn, thành phố như Saint Peterburg, Strassburg, với gốc Pháp ngữ -bourg như Luxembourg, với gốc Phạn ngữ pur, pura, chỗ ở, thành phố, miền như Singapura hay Singapore, Thành phố Sư Tử, với Việt ngữbúa như chợ búa, buôn, bản, buồng, mường, Hán Việt phủ, phố... Cũng nên biết Việt ngữ buồng ngoài nghĩa là căn phòng còn có nghĩa là một khoảng không gian lớn (đơn vị lớn) có chứa nhiều khoảng không gian nhỏ (đơn vị nhỏ) như buồng cau, buồng chuối giống như một tòa nhà cao tầng, một chung cư burj có nhiều phòng ốc, nhiểu buồng.

Dĩ nhiên khách sạn này của gia đình Sheik Mohamed. Khách sạn xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo, một cánh buồm bê tông lộng gió ngàn khơi. Đây là một kiến trúc khuấy nước chọc trời. Khuấy nước vì phải khuấy lòng biển đổ đất cát làm đảo và chọc trời vì là một tòa nhà chọc trời. Đây là một khách sạn sang trọng nhất thế giới nhưng lại là một khách sạn “không sao” (không có sao nào cả). Khi xây xong, hiệp hội thẩm định khách sạn thế giới dĩ nhiên xếp khách sạn này vào loại khách sạn đứng hàng đầu tức 5 sao. Sheik Mohamed từ chối đòi phải là 7 sao! Dĩ nhiên trong thực tế không có khách sạn nào hơn 5 sao. Sheik Mohamed nhất quyết đòi một là 7 sao hai là không có sao nào cả. Sheik bị từ khước. Vì thế khách sạn cánh buồm bê tông căng gió này trong thực tế là khách sạn “Không sao” (0 sao). Nhưng đối với giới vương giả và dân Dubai họ vẫn tự cho đây là khách sạn 7 sao. Một điểm lý thú là Hán Việt thất tinh vừa có nghĩa là Bẩy Sao (thất có một nghĩa là bẩy) vừa có nghĩa là Không Sao (thât có một nghĩa là mất, thất tinh là Mất Sao là Không có Sao nào cả!). Khách sạn này là khách sạn Thất Tinh hiểu theo cả hai nghĩa của chữ thất. Khách sạn có lúc, một đêm phòng hạng bét giá phải trả hai ngàn Mỹ kim. Chỉ những khách của khách sạn mới có thể ra vào khách sạn bằng một đường cầu nối với đất liền. Khách sạn biệt lập với thế giới “thường dân” trong bờ. Khách ra vào bằng xe Roll Royce hay bằng trực thăng riêng của khách sạn. Kiến trúc hình đĩa tròn ở trên cao tòa nhà là bãi đáp trực thăng. Ở đây thấy nhan nhản loại xe Roll Royce thể thao mui trần (décapotable).

Những người muốn vào xem cho biết chỉ có hai cách “đi chui”, một là lấy cớ đi vào quầy rượu Skyview uống một cốc rượu hoặc vào Beach Club ăn trưa, hai là vào ăn tối ở Nhà Hàng Ăn Treo (hanging restaurant) nhưng phải lấy hẹn trước vài ngày (nhà hàng cố ý làm khó khăn bắt phải hẹn lâu, một tỏ ra là sang trọng, hai có lẽ để điều tra lý lịch). Giá cả thay đổi tùy theo đi bằng Roll Royce hay trực thăng. Cách đi chui này ít nhất cũng phai tốn vài trăm đô la. Vì thế khách sạn chỉ dành riêng cho giới vương giả, những danh tài nhiều tiền lắm bạc. Chúng ta đã nghe và thấy các ngôi sao Hollywood, âm nhạc, thể thao tới đây điển hình như Michael Jackson (đã đến ở Dubai), Tiger Woods đã từng quất golf từ trên khách sạn xuống biển cho người dưới biển tranh nhau nhặt, nào Federer đánh tennis trên sân trời...

Chúng tôi cũng muốn vào xem một lần cho biết nhưng không có dư thì giờ thể đi theo hẹn được. Người hướng dẫn du lịch đã khéo léo bảo rằng trang trí nội thất trong khách sạn theo lối vương giả nhưng rất cả quỷnh hãy còn theo cái “gu” của vua chúa dân lái buôn lạc đà có lẽ ông bà không thích lắm đâu. Anh ta bèn đưa cho chúng tôi xem một vài hình ảnh bên trong cho đỡ... ấm ức! Quả thật như lời anh ta nói trang trí bên trong lòe loẹt không bắt mắt những kẻ không thích và không có vàng bạc châu báu như chúng tôi. Ở đâu cũng thấy toàn là vàng, vàng lá, vàng cây, vàng củ, vàng... cục.

Cột dát vàng ở sân lộ thiên trong tòa nhà (atrium).

Một phòng loại suite

Nhìn hình phòng thấy cũng “thường thường bậc trung», trang hoàng phảng phất hình bóng một harem [harem có nghĩa đen là cấm, theo h=c như hàm (răng) = cấm (răng), harem có ha(r)m- = cấm] với màn rủ hình lều sa mạc. Tuy nhiên phòng đầy đủ kỹ thuật tân kỳ điều khiển tại giường, có trung tâm giải trí phim ảnh riêng và đặc biệt giường chuyển động mọi chiều kể cả xoay tròn được... Vua ngọa triều Lê Long Đĩnh còn sống chắc thích loại giường này.

Coi hình xong thấy để dành được mấy trăm Mỹ kim cũng rất có lý vì mình không phải là các sheik coi tiền như rác. Nói «mẽ» như vậy cho vui thôi, chứ thật ra nếu không có vụ hẹn hò phiền phúc được vào xem, ngồi uống một ly nước trái cây cũng thấy trung thực hơn là xem... hình (giống như xem thoát y vũ và xem báo con heo khác nhau xa). Nên nhớ ở xứ Hồi khách du lịch hạng kinh tế «economic» không nên uống rượu nhiều vì rượu chỉ được bán trong khách sạn, giá rượu ở đây đã đủ làm say, làm thấy choáng váng, chóng mặt rồi, trong khi dân Hồi thường dân thật sự ở ngoài khách sạn thì bị cấm uống rượu, còn người ngoại quốc sống ở Dubai phải xin «hộ khẩu rượu» theo kiểu «biên chế».

Cánh buồm bê tông lộng gió ngàn khơi burj Al Arab là một niềm kiêu hãnh quốc gia và là biểu tượng quốc gia hiện nay của Dubai. Đâu đâu cũng thấy biểu tượng này, trước đây trên bảng số xe cũng có biểu tượng này.

Nhưng có một điều sơ sót phải nói là cay đắng cho Sheik Mohamed là cánh buồm bê tông này cũng đã gặp nhiều dông bão chứ không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Những người Hồi cực đoan ở thế giới Hồi đã vạch lá tìm sâu, đã liên tưởng cây trụ cột buồm thẳng đứng của tòa nhà và dẫy nhà nằm ở nhánh ngang bên trên tòa nhà trong đó có tiệm ăn treo tạo thành hình chữ thập tức cây thánh giá của Thiên Chúa giáo. Về đêm khi ánh đèn rọi lên, cây thánh giá này thấy rõ mồn một. Đã thế cây thánh giá lại hướng về thánh địa Mecca. Dĩ nhiên giới Hồi cực đoan loại ôm bom tự sát giết người (có cớ để) phẫn nộ. Ả Rập Thống Nhất Saudi Arabi đã cấm các xe Dubai trên bảng số có hình biểu tượng khách sạn cánh buồm lộng gió Burj Al Arab này chạy vào lãnh địa của họ. Sheik Mohamed cố phải ngậm đắng nuốt cay đối với các người đồng đạo với mình, dĩ nhiên trong đó có nhiều người có ý ghen ăn ghét ở, nhưng với đầu óc cấp tiến, cởi mở, ông làm mặt tỉnh bơ như không có chuyện đó. Tòa nhà vẫn giữ nguyên hình dạng. Thật ra nếu coi trụ buồm nhà có hình thánh giá giống như các trụ buồm của những con tầu của các xứ Âu châu theo Thiên Chúa giáo ngày xưa đi nữa thì cánh buồm lại trông giống mảnh trăng lưỡi liềm của thế giới Hồi giáo. Như thế tòa nhà khách sạn Burj Al Arab mang hình ảnh hòa hợp giữa Hồi và Thiên Chúa giáo đúng như chủ trương Open Door, Open Mind của Sheik Mohamed. Tuy nhiên vì lợi ích chung của khối Ả Rập và chiều lòng Ả Rập Thống Nhất Saudi Arabi ông cũng ra lệnh cho làm lại bảng số xe mới không có hình Burj Al Arab để xe cộ Dubai có thể ra vào xứ này. Dân Dubai rất hân hoan vì Ả Rập Thống Nhất Emirates ở gần biên giới với Ả Rập Thống Nhất Saudi Arabi, họ lái xe qua nước này mua xăng rẻ hơn mua nước lọc (một chai nước lọc nhỏ dưới một phần tư lít trong khách sạn giá 8 Mỹ kim trong khi xăng ở Saudi Arabi một lít dưới mười xu).

. Khách Sạn Bãi Biển Jumeirah

Có khách sạn cánh buồm căng gió biển thì tất phải có khách sạn có hình sóng biển. Đó là khách sạn Jumeirah (có nghĩa là Bãi Biển) hình sóng cuộn ở trên bãi biển Jumeirah, ngay sau Công Viên Nước Hoang Dã Wadi.

Khách sạn hình sóng cuộn ở trên bãi biển Jumeirah.

Cây Kè (The Palm)

Niềm khát khao nước, gió, biển của dân sa mạc Dubai cũng thấy hiện rõ trong những kiến trúc kỳ quan hiện nay.

Một thành phố xây trên những hòn đảo nhân tạo có hình cây Kè gọi là The Palm ở Jumeirah. Đây là một trong những kiến trúc táo bạo và ngoạn mục, thể coi như là “kỳ quan thứ tám của thế giới”. The Palm là một hệ thống đảo nhân tạo vĩ đại có thể nhìn thấy từ không gian, gồm 5.000 villa và chung cư sang trọng, nhà nào cũng có mặt tiền nước (water front). Tất cả bán sạch trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ (dĩ nhiên trên giấy tờ). Giá một căn villa hàng hai ba chục triệu đô la.

Viếng thăm The Palm bằng ngả mặt đất, mặt biển không thể nhìn hết được, cùng lằm chỉ nhìn thấy được một chiếc Lá Kè. Không thấy gì hơn, cũng chỉ là những dẫy nhà vùng biển sang trọng như ở một vài nơi tại California xếp thành hình vòng cung. Muốn thấy cả thành phố Cây Kè này phải thuê trực thăng. Lại phải lấy hẹn và tốn vài trăm Mỹ kim. Thôi thì đành đi thăm viếng bằng đường mặt bằng và nhìn thêm hình bưu ảnh post card vậy (hình The Palm cũng có rất nhiều trong internet).

Thành phố hải đảo nhân tạo Cây Kè nhìn từ trên cao (bưu ảnh).

Dự án The Palm này thành công nên hai dự án The Palm khác lớn hơn nữa đang xây cất là Palm Jebel Ali và Palm Deira.

.Thế Giới (The World)

Một kiến trúc táo bạo khuấy nước chọc trời nữa là thành phố hải đảo nhân tạo Thế Giới có hình bản đồ thế giới cách bở biển Jumeirah khoảng bốn cây số. The World gồm 300 đảo nhân tạo phải dùng tới 326 triệu mét khối cát để lấp biển và phải xây một tường kè hình trứng dài 26 km (17 miles) để chặn sóng biển. Khách mua có thể chọn ở nước nào mình muốn, giá tứ 10 tới 45 triệu một căn.

Dĩ nhiên cũng phải dùng trực thăng mới nhìn thấy hết thành phố The World này. Chắc chắn trong tương lai thế nào Dubai cũng phải xây cất một kiến trúc có độ cao để cò thể nhìn thấy toàn cảnh của Dubai thay vì phải dùng trực thăng như hiện nay.

Thành phố hải đảo nhân tạo Hình Bản Đồ Thế Giới The World nhìn từ trên cao (bưu ảnh).

Một điều không may cho các nhà phát triển là lúc này gặp lúc suy thoái toàn cầu nhiều căn nhà đã đặt mua, nhiều người mua đã bỏ của chạy lấy người hay ký ngân phiếu không tiền bảo chứng như trong trường hợp người mua nước Anh và Tây Ban Nha (?) đã ký ngân phiếu không tiền bảo chứng.

. Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Al Khalifa

Khi chúng tôi tới, tòa mà vừa mới khai trương và mở cửa cho du khách vào xem. Đây là tòa nhà cao nhất thế giới, cao một cây số (1 km) tức gần nửa mile, cao gấp đôi tòa nhà Empire State ở New York. Chiều cao của tòa nhà được dấu kín trong lúc xây cất vì sợ người Mỹ biết được sẽ xây tòa nhà New York’s Freedom Tower cao hơn.

Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Al Khalifa.

Kinh phí xây cất chỉ mất 1.5 tỉ Mỹ kim (giá quá rẻ so với kinh phí xây cất các khách sạn loại thường ở Las Vegas vì tiền nhân công xây cất người ngoại quốc ở Dubai được trả với giá bóc lột lao động!).

Đây là biểu hiện cái đầu óc, táo bạo, muốn hơn người, làm cho bằng được của Sheik Mohamed. Ông muốn cho dân Dubai một món quà để đời. Cũng xin nói thêm là Sheik Mohamed không phải là một nhà cai trị vơ vét tài sản của đất nước, của dân, bán dân, bán nước để hưởng thụ. Tất cả dân Dubai chính gốc mang huyết tộc Bedouin thuộc dòng họ hiện đang trị vì hiện nay đều được hưởng “lương” đủ sống, không cần phải làm gì cả. Trẻ em đến năm mười tám tuổi được cấp nhà, đầt để lập thân. Dân chính gốc Dubai là người dân duy nhất trên thế giới này có lương “làm người”, không cần phải làm gì cũng sống một đời thong thả, nhàn hạ.

Tòa nhà cao nhất thế giới này cũng là một niềm hãnh diện quốc gia của Dubai. Sheik Mohamed đã đặt tên cho tòa nhà là Burj Dubai chứ không đặt tên ông. Nhưng lúc gần xây xong thì đây lại là một nỗi đau một đời của Sheik Mohamed. Tòa nhà Burj Dubai mà khắp thế giới trước đây biết tên giờ phải đổi tên lại là Burj Khalifa bin Zayed, tên của nhà cai trị xứ Abu Dhabi hàng xóm cũng nằm trong Ả Rập Thống Nhất Emirates. Lý do là Sheik Khalifa đã ra tay cứu Dubai và Ả Rập Thống Nhất Emirates ra khỏi cơn khủng hoảng tài chánh thế giới xẩy ra năm 2009 vừa qua. Abu Dhabi là xứ có rất nhiều dầu, mỗi ngày bơm lên 3 triệu thùng. Sheik Khalifa bỏ ra 10 tỉ Mỹ Kim cho Dubai vay (dù biết rằng khó đòi lại được) nhưng với điều kiện là tòa nhà Burj Dubai phải đổi lại lấy tên ông là Burj Khalifa. Mua một cái bảng tên mười tỉ Mỹ kim. Có đắt không?. Không. Bỗng dưng một sáng một chiều, khắp thế giới biết tới tên Khalifa. Một lần nữa Sheik Mohamed lại phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận. Hôm khai trương tòa nhà, ông và gia đình đến tham dự “theo xã giao” chỉ có nửa giờ rồi ra về. Lúc này có lẽ Sheik Mohamed nhận thấy rằng tiền bạc không phải là không thành vấn đề, tiền bạc không phải là chuyện nhỏ. Ông học được vài từ đôi tiếng Việt là Nghèo Khổ (theo qui luật từ đôi trong tiếng Việt , ta có nghèo = khổ. Nghèo, túng thiếu tiền là Khổ) và Khổ Nhục (khổ = nhục, Khổ là Nhục). Nghèo tiền thì khổ và phải chịu nhục!

Tòa nhà này còn có nhiều thứ khác đạt kỷ lục cao nhất thế giới như hồ bơi cao nhất thế giới ở tầng 76, đền thờ Hồi giáo cao nhất thế giới ở tầng 158 và sàn ngắm cảnh cao nhất thế giới ở tầng 124. Về đêm muốn nhìn thấy rõ tòa nhà cao nhất thế giới Al Khalifa và hồ nước có giếng nước phun với show ánh sáng và âm nhạc giống như ở Bellagio, Las Vegas thì một chỗ trong các chỗ tốt nhất đối với người Á châu là ngồi ở lan can nhà hàng ăn Thái Mango Tree ngay bên hồ nước đối diện với tòa nhà. Burj Al Khalifa ngoạn mục dưới ánh đèn đêm với show phun nước (dĩ nhiên vòi nước phun cao hơn, mạnh hơn ở Bellagio, nhẩy múa, chuyển động với nhạc đủ loại khắp thế giới và cứ 15 phút giếng lại phun lên một lần).

Những kiến trúc ở Dubai, như đã nói, thiên hình vạn trạng như nhìn trong kính vạn hoa. Xin nêu ra đây thêm một vài kiến trúc khác nữa làm ví dụ.

Tòa nhà xoắn “quai chèo” hay hình “dầu cháo quẩy” (ảnh của tác giả).

Tòa nhà nghiêng (ảnh của tác giả).

Tòa nhà hộp tròn (ảnh của tác giả)

Tòa nhà “mũi khoan trời có ngạnh” (tận cùng bên phải) và tòa nhà “hòn chồng chênh vênh” (thấp ở giữa)

Và một dự án đang xây cất sắp hoàn tất vào giữa năm nay 2010 mang tên là Tháp Dubai (Dubai Towers) gồm các tòa nhà có hình ngọn lửa nến:

Tháp Dubai (ảnh xây cất).

. . . . . .

Dĩ nhiên còn nhiều kiến trúc hấp dẫn đang và sắp khởi công nữa như Dubailand chẳng hạn dự trù hoàn tất vào năm 2020. Đây là một công viên chủ đề (theme parks). Không phải là một chủ đề mà là nhiều chủ đề, ít nhất là 6 chủ đề: Thế Giới Từng Trải và Thu Hút (Attractions and Experience World), Thế Giới Ngoài Trời và Thể Thao, Thế Giới Du lịch Sinh Thái, Thế Giới Nghỉ Hè và Hưởng Nhàn, Thế Giới Bán Lẻ và Giải Trí và Phố Thị... Dubailand rộng gấp đôi Thế Giới An Dưỡng Disney. Tại đây có Bánh Xe Quay Vĩ Đại Dubai (Great Dubai Wheel) lớn nhất thế giới. Ở điểm cao nhất khi bánh xe quay lên đỉnh, khách có thể nhìn tới tầm xa 50 cây số (31 miles) nghĩa là có thể nhìn thấy hết các kỳ quan của Dubai mà không cần phải thuê trực thăng như hiện nay.

Để kết luận xin nói tới một kiến trúc hình triền dốc núi có cấu trúc bên trong mát lạnh, tươi mát nhất ở trong sa mạc là dốc trượt tuyết (6.000 tấn tuyết được chế tạo ra) gồm năm đường trượt có độ khó khác nhau nằm trong một đại thương xá. Tại đây nhiệt độ là 4 độ bách phân (32 độ F) trong khi bên ngoài có khi nhiệt độ lên tới 115 độ.

Công viên trượt tuyết trong đại thương xá Mall of the Emirates ở Al Barsha, Dubai(ảnh của tác giả).

“The coolest thing to do in Dubai is skiing” (Chuyện “mát nhất” làm ở Dubai là trượt tuyết).

Trên đây chỉ là một cái nhìn bề ngoài, nếu ai muốn biết thêm và thích chi tíết hơn về kiến trúc của Dubai nên lấy một “tua” thăm viếng chuyên về kiến trúc Dubai (phải dàn xếp trước khi tới Dubai). BS Nguyễn Xuân Quang

TTO - Hai ngày sau khi Burj Khalifa được khánh thành và trở thành tòa tháp cao nhất thế giới, vào ngày 6-1 vừa qua, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) lại nhận thêm danh hiệu khách sạn cao nhất thế giới cho khách sạn Rose Rayhaan tại Dubai.

Khách sạn Rose Hayhaan

Rose Rayhaan có 72 tầng và cao 333 mét, vượt qua "nhà đương kim vô địch" là khách sạn Ryugyong tại Bình Nhưỡng (CHDCND triều Tiên) 3 mét.

Rose Rayhaan có 480 phòng và là khách sạn nổi tiếng đầu tiên trên thế giới không phục vụ rượu - một chiến lược nhằm đánh vào các gia đình đến từ trung Đông.

Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 2004 với tổng số vốn 180 triệu USD. Ngay trong ngày khai trương, 65% tổng số phòng đã có người đặt ở.

Khi lên đến tầng 65, khách sẽ có được nhìn toàn cảnh UAE. Tại đây du khách có thể phóng tầm nhìn đến Đảo Cây cọ nhân tạo, tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa cũng như trung tâm tài chính của Dubai.

Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa

trước đó hai ngày, UAE cũng đã khánh thành Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới, cao 828m với 160 tầng. Tổng cộng Burj Khalifa phải sử dụng 57 thang máy khác nhau để phục vụ các nhu cầu khác nhau.




Khám phá tòa tháp cao nhất thế giới

Tòa tháp cao nhất thế giới khai trương hôm qua trong màn bắn pháo hoa rực rỡ và được đổi tên từ Burj Dubai thành Burj Khalifa.

Tòa tháp có hình cây kim nhọn hoắt và được miêu tả là "thành phố thẳng đứng" bởi nó làm lu mờ mọi tòa cao ốc hiện có và đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng.
Tòa tháp gồm 164 tầng, nhiều hơn bất cứ tòa nhà nào trên thế giới và có một ban công trên tầng 124 cho phép nhìn toàn cảnh thành phố.
Tòa tháp cao 828 m và trị giá 1,69 tỷ USD, được xây dựng từ tháng 9/2004 và cần tới 12.000 nhân công để hoàn thành. Có thời điểm, cứ sau 3 ngày một tầng mới lại được mọc lên.
Lượng bê tông được sử dụng để xây tháp đủ để đắp một con đường dài 2.065 km và lượng thép gia cố có thể nối dài đủ 1/4 quãng đường vòng quanh trái đất.
trên tầng 39, một phòng tắm xa xỉ cùng các phương tiện giải trí có thể đáp ứng nhu cầu của những ông trùm xa hoa nhất trên thế giới.
Hệ thống làm lạnh tạo ra đủ lượng nước để lấp đầy 20 bể bơi Olympics mỗi năm.
Xem video lễ khánh thành tháp Burj Khalifa
tại đây.
Tòa tháp được thiết kế bao gồm 1.000 căn hộ, 49 tầng dành cho văn phòng và một khách sạn do chuyên gia thời trang Giorgio Armani thiết kế.
Tòa tháp không chỉ phá kỷ lục về chiều cao mà còn ghi danh về những kỷ lục khác như ban công quan sát cao nhất thế giới, thang máy chạy nhanh nhất với tốc độ 64 km/h...
Toàn bộ bề mặt bên ngoài của tháp được làm bằng kính và thép có thể phủ kín diện tích của 17 sân bóng.
Nằm dưới chân tháp sẽ là khu trung tâm Downtown Burj Dubai rộng 202 ha, bao gồm 30.000 ngôi nhà, 9 khách sạn, một công viên rộng 24.000 m2, khu mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall rộng 836.000 m2 và một hồ nước rộng 120.000 m2.
Công trình do Adrian Smith đến từ Chicago, Mỹ, thiết kế và mang ý tưởng thu hẹp khoảng cách giữa thế giới Ả rập truyền thống với phong cách phương Tây hiện đại.
Dubai hy vọng tòa tháp được khánh thành sẽ giúp đánh bóng hình ảnh về một đất nước đang bị tơi tả vì khủng hoảng kinh tế và các món nợ chồng chất. Ảnh:Ap.

Ngày khánh thành tòa tháp vào hôm nay (4-1-2010) cũng là dịp kỷ niệm bốn năm cầm quyền của tiểu vương Sheikh Mohammed bin Rashed al-Maktoum, người cai trị Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Biểu tượng mới của Dubai

Tòa tháp Burj Dubai do Công ty bất động sản Emaar đầu tư, có chiều cao hơn 800m, vượt qua tòa tháp cao nhất thế giới trước đó là Taipei 101 (có chiều cao 508m) tại Đài Loan.

Burj Dubai - "Burj" có nghĩa là tháp trong tiếng Ả Rập - là đỉnh cao tham vọng của Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Đây là lần đầu tiên thế giới Ả Rập tuyên bố tên của tòa nhà cao nhất thế giới kể từ năm 1311, khi nhà thờ Lincoln vượt quá chiều cao của kim tự tháp Giza.

Được khởi công cách đây năm năm, Burj Dubai là tòa nhà chọc trời có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD. Đơn vị thi công là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, cũng là đơn vị thi công tòa tháp petronas (Malaysia) và tháp Đài Bắc 101 (Đài Loan).

Tòa tháp Burj Dubai có 160 tầng với 57 thang máy, được làm từ 330.000 m3 bêtông và 31.400 tấn thép. Tòa nhà gồm 1.044 căn hộ cao cấp và 49 tầng văn phòng làm việc, hồ bơi cao nhất thế giới ở tầng 76, phòng xông hơi và một sân bay ở tầng 124. Đặc biệt, còn có một nhà thờ Hồi giáo trên tầng 158 của tòa tháp. Với độ cao hơn 800m, người ta có thể nhìn thấy Burj Dubai từ cách đó 95km.

Nhóm công nhân xây dựng chủ yếu đến từ Ấn Độ và pakistan - Ảnh: Getty Images
Tòa tháp nhìn từ Google Map - Ảnh: Google
Tòa tháp Dubai hiện nắm giữ kỷ lục cao nhất thế giới do Hội đồng nhà cao tầng và chỗ ở đô thị (CTBUH) xác nhận

Diệu Minh (Ảnh: Barcroft Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét